Bài học từ nắm cát

19.1.13

Ở một ngôi làng chài ven biển, có cậu bé là con của một thương gia giàu có đã không may mất sớm. Cậu bé luôn mơ ước một ngày nào đó được nối nghiệp bố để bôn ba khắp phương trời.


Bài học từ nắm cát


Một hôm đi học về cậu khoe ngay với ông nội “Ông ơi, hôm nay cháu đã học được rất nhiều điều ông ạ!”. Ông nội dẫn cậu ra một cái chòi ở bờ biển, ông đánh dấu X lên mặt đất và nói…

Này con, mỗi lần con học được điều gì thực sự mới mẻ và quý báu, hãy vốc một nắm cát ngoài kia và đổ lên đây nhé. Nó sẽ là thước đo cho kiến thức của con. Con sẽ ko làm ta thất vọng chứ?” Ông hỏi và chỉ tay vào cái cột lớn giữa nhà. Đứa bé thấy trên đó có nhiều vết khắc, vết cao nhất có khắc “1.8m, 1993″. “Của bố con đấy, hồi ấy trong vòng một năm đưa ra bài tập này bố con đã phá kỉ lục gấp ba lần của ta!” Ông cười.

Thằng bé càng tự hào về bố, nó chạy vội đi vốc nắm cát đến đổ vào chỗ ông vừa chỉ, tượng trưng cho những gì nó học hôm nay. Nó lấy thước và đo được 2cm. Nó nói với ông “Việc này quá dễ ông ạ, mỗi ngày cháu được 2cm, thì chỉ cần 3 tháng là ta vượt kỉ lục của bố!”… Ngày tiếp theo, thằng bé học tập rất tích cực trên lớp, lúc chiều về nó vốc tiếp hai nắm cát và đổ xuống chỗ hôm trước. Rồi liên tục một tuần như vậy, cậu bé chăm chỉ nghiên cứu thêm rất nhiều loại sách vở nữa để ngày nào cũng được vốc hai đến ba nắm cát đổ xuống đó…

Hôm nay đã được tròn một tháng, người ông thấy cháu dạo này không thấy đến khoe bài nữa bèn hỏi đến, đứa bé ngượng ngùng. “Thưa ông, cháu đã làm hết sức nhưng không hiểu sao càng ngày nó lại càng khó…” – Người ông khẽ mỉm cười và dẫn cậu bé ra chỗ lần trước. “Nào, bây giờ cháu hãy quan sát nhé”. Người ông lấy một nắm cát và đổ rất từ từ xuống, rồi hai nắm, ba nắm, bốn nắm đổ xuống, năm nắm, sáu nắm….

Cậu bé thấy ông cũng làm giống như nó mà. Ồ không, cậu bắt đầu nhận ra rằng từ nắm cát thứ ba trở đi, phải có đến 90% số cát mới sẽ rớt hết xuống dưới, bán kính của vùng cát ngày một mở rộng. Điều đó giải thích tại sao lên cao lại khó đến vậy! Nó hiểu ra một điều gì đó, nhưng chưa rõ ràng lắm. Nó hỏi thốt lên “Ông ơi, thế bố cháu đã làm thế nào vậy ông?”. Ông nội mỉm cười và lấy ở gần đó một ống thủy tinh khá dài. Ông dựng lên và bắt đầu đổ cát vào. Chỉ sau một vài nắm, cát đã dâng lên rất nhanh và không có hạt nào rớt ra. Ông nói tiếp:

Cháu à, hãy tưởng tượng đầu óc cháu là khoảng đất này. Hàng ngày ta thu nhận học hỏi từ thế giới xung quanh là ta đang vốc những nắm cát kiến thức đổ xuống đó. Cháu cũng thấy đấy, cháu khó có thể đạt được một chiều cao nhất định nếu cứ đổ theo lối mòn cháu đã làm là đọc càng nhiều càng tốt, những kiến thức nếu không dùng đến rồi sẽ dần trôi hết. Cháu hãy tạo dựng cho mình những cái khuôn thật chắc, thật cao bằng chính những mong muốn, khát vọng, niềm đam mê của cháu. Hãy biết mình cần cái gì trước khi bắt đầu đổ kiến thức vào nhé!

Bài học từ Nắm cát 2
Kỹ năng học tập & thay đổi

Nói đoạn, ông dẫn cậu bé vào một căn phòng nhỏ nơi chứa những kỷ vật linh thiêng của ba nó. Cậu thấy ba nó đã tạo ra rất nhiều những cột cát thủy tinh thật cao. Có những cột kiến thức mà cậu đã biết nhưng chưa bao giờ đạt đến độ cao như ba, cũng có những cột mà cậu mới nghe tên lần đầu. Và cậu đã thấy cái cột cao nhất, đúng 1.8m, có lẽ đó là niềm đam mê giúp ba thành công. Ngay sau đó, cậu bé đi mua cho mình một ống thủy tinh 2m và viết lên đó “Kỹ năng học tập & thay đổi”. Cậu đổ nắm cát đầu tiên cho bài học lớn vừa học được trong niềm vui sướng miên man.
home
 
Back to Top